Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang và sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn, và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.
BIM (Building Information Modeling) hiện nay đang được sử dụng Trong thiết kế, thi công, quản lý xây dựng các công trình xây dựng và công nghiệp. Trong giai đoạn thiết kế, BIM được sử dụng để tạo thành mô hình 3D chứa thông tin của toàn bộ công trình. Mô hình này được sử dụng để trình diễn thiết kế, phân tích và lựa chọn ra phương án thiết kế tối ưu nhất, giúp quan sát và phát hiện ra các xung đột giữa các bộ môn, tạo và cập nhật tự động các bản vẽ, tính toán khối lượng, lập dự toán chi phí, phân tích hiệu quả công trình.
BIM được hiểu là một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình (công trình ở đây có thể là công trình xây dựng hay các sản phẩm công nghiệp).
Thông tin (Information) gồm 2 loại:
- Thông tin hình học: các kích thước dài, rộng, cao, vị trí của cấu kiện trong công trình như cột dầm sàn ống nước, bồn tắm, bóng đèn, bàn ghế tủ,…
- Thông tin phi hình học (data): thông tin phụ về các cấu kiện như hãng sảng xuất, thời gian bảo trì bảo dưỡng, giá thành, nhà cung cấp,…
Do đó, BIM là một mô hình 3D duy nhất chứa thông tin công trình, dùng để khai thác chung giữa các bộ phận, các bên liên quan từ giai đoạn thiết kế ý tưởng đến giai đoạn thi công và vận hành công trình.
Như vậy, BIM không chỉ là nguồn lưu trữ và cung cấp thông tin công trình từ giai đoạn thiết kế, thi công đến quản lý vận hành mà còn là quá trình tạo ra và sử dụng nguồn thông tin để tạo nên một mô hình thực tế ảo của công trình, nhằm mục đích tối ưu hóa thiết kế, thi công, vận hành quản lý công trình.
Những lợi ích khi sử dụng BIM trong thiết kế:
- Trực quan hóa: Khi sử dụng BIM, công trình được mô phỏng và trình diễn với mô hình 3D trực quan trên máy tính. Người thiết kế sẽ dễ dàng truyền đạt ý tưởng thiết kế đến các thành viên dự án, giúp họ hiểu rõ hơn, đồng thời giúp cho việc đánh giá, lựa chọn phương án nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.
- Tăng năng suất và chất lượng thiết kế: Với BIM sẽ giúp cho việc truyền đạt thông tin giữa các thành viên diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, giúp sớm phát hiện các xung đột giữa các bộ môn, hạn chế xảy ra lỗi và thiếu sót trong quá trình thiết kế, giảm công sức làm lại, giảm chi phí phát sinh.
- Cải thiện việc đo bóc khối lượng và lập dự toán chi phí: Hai công việc này sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác nhờ mọi thông tin liên quan đến khối lượng, vật liệu, giá thành, đều được lưu trữ trong mô hình công trình và dễ dàng được cập nhật và trích xuất thông qua các phần mềm được thực hiện một cách tự động.
- Tăng cường tính bền vững cho công trình: BIM hỗ trợ các nhà thiết kế có thể tính toán được nhu cầu sử dụng năng lượng của công trình. Từ đó có thể thay đổi, điều chỉnh phương án thiết kế sao cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo tính bền vững cho công trình.
Nắm bắt được xu thế chung ấy, Khoa Xây dựng đã đưa công nghệ BIM vào giảng dạy theo chương trình đào tạo tiếp cận CDIO cho sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông....nhằm tăng tính thực tế áp dựng giữa đào tạo và việc làm, đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội.
Giảng viên và sinh viên Khoa Xây dựng học tập và sử dụng ứng dụng BIM
Mô hình nhà ở được xây dựng trên nền công nghệ BIM
Mô hình công trình trường học được xây dựng trên nền công nghệ BIM
Bài và ảnh: Tổ Xây dựng - Trung tâm THTN